Việc loại bỏ các loại nước giải khát, nước ngọt có ga khỏi chế độ ăn uống đã được công nhận là biện pháp giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đây lại không phải việc dễ dàng với một số người. Vậy nguyên nhân nào khiến các loại đồ uống có ga hấp dẫn người uống đến vậy?

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo ông Gary Wenk (Đại học Ohio), tính gây nghiện của đồ uống có ga nằm trong chính công thức của chúng. Các hãng đồ uống giải khát nổi tiếng đã chế tạo công thức sao cho lượng chất tạo ngọt, caffein và cacbon dioxit (CO2) bão hòa vừa đủ để khiến người dùng không ngừng uống hết ngụm này sang ngụm khác.

Hàm lượng đường

Một lon Coca-Cola thông thường có dung tích 330ml chứa 39 grams đường, tương đương với 10 thìa cà phê và lớn hơn định mức con người nên tiêu thụ trong một ngày.

Việc dung nạp lượng đường lớn như vậy có tác động kích hoạt các hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ tương đương như các loại thuốc kích thích. Nó giải phóng chất dopamine trong vùng nhân não có tên là nucleus accumbens (khu vực tạo ra những xung thần kinh khiến ta có cảm giác dễ chịu khi được thỏa mãn), từ đó tạo cảm giác sảng khoái cho người uống.

Wenk giải thích, hiệu ứng từ dopamine dâng cao trong não bộ xảy ra và biến mất rất nhanh khiến não bộ bị kích thích và muốn thêm nữa. Một tạp chí khoa học còn đưa kết luận rằng đường thậm chí còn hấp dẫn và kích thích tưởng thưởng trong não bộ hơn cả cocaine. Do đó, càng uống nhiều nước ngọt, cảm giác “tưởng thưởng” càng lớn, khiến con người bị lôi cuốn và muốn uống thêm nữa.

Hiệu ứng caffein

Nhắc đến tính gây nghiện của các loại nước giải khát có ga, đường không phải là nhân tố cấu thành duy nhất mà còn có caffein – một chất kích thích phổ biến.

Caffein không chỉ làm tăng tốc độ suy nghĩ mà còn có khả năng độc đáo kích hoạt các đường dẫn tưởng thưởng trong não bộ có liên hệ với dopamine. Là một trong những chất kích thích thần kinh được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới, caffein hoàn toàn có tính chất gây nghiện. Kết hợp với lượng đường cao trong nước ngọt sẽ tạo thành một hỗn hợp khiến tâm trạng con người tốt lên và mong muốn sử dụng chúng trong ngày hoặc dịp khác.

Một khi đã hình thành thói quen thường xuyên tiêu thụ caffein, con người thường bắt đầu dựa dẫm vào nó để tăng khả năng tập trung, sự tỉnh táo và năng lượng. Khi đó, họ sẽ sinh ra cảm giác phụ thuộc và trải qua các triệu chứng như đau đầu, kém tập trung khi ngưng sử dụng nó.

Hiệu ứng sủi bọt

Một nhân tố khác quyết định đáng kể đến sức hấp dẫn của các loại nước có ga chính là lớp sủi bọt, tạo ra từ việc bão hòa CO2. Trên thực tế, sự bão hòa CO2 khiến mọi loại đồ uống có tính gây nghiện cao hơn nhiều.

Những bong bóng CO2 này làm tăng một chút tính acid cho đồ uống, mà khi kết hợp với đường, sẽ làm tăng cảm giác tưởng thưởng đầy sảng khoái cho người uống. Đồng thời, bão hòa CO2 còn làm giảm vị ngọt trong đường ở mức vừa đủ để khiến người ta muốn uống thêm.

Đồ uống gắn mác không đường, giảm cân vẫn gây nghiện

Mặc dù các loại đồ uống có ga giảm cân có thay thế đường bằng các chất tạo ngọt nhân tạo khác, song các chất tạo ngọt này vẫn có những tính chất gây nghiện riêng. Theo chuyên gia dinh dưỡng học ăn uống Cordialis Msora-Kasago, các chất tạo ngọt này sẽ kích thích các thụ quan vị giác quy định vị ngọt và chuẩn bị cho não bộ tiếp nhận “phần thưởng” là đường. Tuy nhiên, vì đã loại bỏ đường khỏi bảng thành phần, não bộ khi không nhận được “phần thưởng” mà nó muốn sẽ đòi thêm, dẫn đến tiêu thụ nhiều nước có ga hơn.

Yếu tố nghi thức và di truyền

Tuy nhiên, không phải ai uống đồ uống có ga đều “nghiện” chúng. Một số chỉ thử một ngụm và cảm thấy vậy là đủ. Điều này dường như liên quan tới một số khía cạnh mang tính “nghi thức” của việc uống đồ có ga có ảnh hưởng tới hoạt động hóa học bên trong não bộ: từ việc nghe tiếng bật lon, tiếng sủi bọt và mác “ăn kiêng” trên lon nước – tất cả đều tạo cảm giác tán thưởng và làm tăng hoạt động của các tế bào dopamine trong cơ thể. Cảm giác này hình thành trong người thậm chí trước cả khi cơ thể nạp vào liều caffein đầu tiên. Chính cảm giác kì vọng này tạo cơ sở hình thành thói quen, đặc biệt là những người có thói quen học bài, lái xe hoặc họp hành vào tối muộn, tin rằng lon đồ uống có ga là thứ chính xác họ cần để giữ sự tỉnh táo và tiếp tục công việc.

Đặc biệt, các loại nước ngọt “ăn kiêng” thường có ảnh hưởng tạo thói quen mạnh hơn khi được xem là lựa chọn “lành mạnh” hơn so với loại thông thường. Có ít nhất một nghiên cứu khoa học chứng minh cơ sở di truyền liên quan tới việc thèm đồ uống có ga. Một nghiên cứu cho thấy những người có loại biến thể FTO trong gen – được cho là có liên hệ với nguy cơ béo phì thấp hơn bình thường – bị hấp dẫn mạnh mẽ hơn bởi các thức uống giải khát có ga. Khoảng 20 đến 30% dân số thế giới sở hữu biến thể gen này.

Việc tiêu thụ đồ uống có ga với tần suất không thường xuyên – chẳng hạn như một vài lần một tháng - sẽ không tạo ảnh hưởng gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu uống nhiều hơn một lon một ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2. Tần suất sử dụng như trên với soda ăn kiêng cũng được chứng minh có liên hệ với nguy cơ đột quỵ và suy giảm trí nhớ.

Một số lựa chọn thay thế khác cho đồ uống có ga bao gồm trà không đường – có tác dụng chống oxi hóa, hoặc nước lọc – thức uống tốt nhất cho sức khỏe, hoặc có thể pha nước có ga (không mùi vị) với một phần nước rau, củ hoặc hoa quả. Trong trường hợp cần nước có ga để tăng tỉnh táo và năng lượng, các nhà khoa học khuyên nên kiểm tra lại chất lượng giấc ngủ.

Nguồn: https://www.msn.com/en-us/health/nutrition/what-makes-soda-so-addictive/ar-AAJsBTx